Giới thiệu về đất nước Bangladesh

Uruguay nổi bật

Giới thiệu về đất nước Bangladesh

Pháo đài cổ Lalbagh.
Ấn tượng đầu tiên trong tôi khi tới Bangladesh đó là cảm giác ngạc nhiên. 12 giờ đêm, Dhaka đón tôi bằng một hàng dài xe cộ, từ ô-tô hạng sang, xe tải, tuk tuk cho tới những chiếc xe cà tàng, thô sơ nhất chen chúc, đan xen nhau. Tôi có thêm một khái niệm mới, tắc đường lúc nửa đêm.

Dhaka, xưa và nay

Dhaka là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất Bangladesh, nằm dọc hai bên bờ sông Buriganga được chia thành Old Dhaka và New Dhaka. Đây cũng là thành phố có mật độ dân cao nhất thế giới. Dhaka còn được biết đến với tên Thành phố các đền thờ Hồi giáo. Là một đất nước đa tôn giáo, nhưng Bangladesh có tới gần 90% người dân theo đạo Hồi, đàn ông không được phép công khai uống rượu, phụ nữ không được phép công khai mặc đồ hở phía chân.

Old Dhaka là khu vực thành phố cũ khi chưa được mở rộng với những nét đặc trưng, các đường phố nhỏ đan xen chằng chịt, các nhà thờ Hồi giáo với mái vòm tròn thường là mầu trắng hiện diện khắp nơi. Những chiếc xích-lô và xe tuk tuk dày đặc trên đường là phương tiện di chuyển chính ở đây. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến thành phố này còn được mệnh danh là Thủ đô Xích lô thế giới. Chúng được điều khiển bởi những người đàn ông theo đạo Hồi mặc lungi (một chiếc váy quây dài qua đầu gối) mà nhiều lần trong ngày họ dở ra và quấn lại rất tự nhiên nơi công cộng, khiến du khách phương xa lắm khi… choáng váng. Ở Old Dhaka bạn có thể tìm thấy rất nhiều món đồ để mua sắm trong các khu chợ với giá rất rẻ đặc biệt là quần áo và vải vóc, những đồ trang sức handmade trông khá lạ và đẹp mắt.

Xích-lô là phương tiện chuyên chở phổ biến ở Dhaka.

Những ngày đầu tiên đặt chân đến đây, tôi đã thật sự bị “sốc văn hóa”. Bữa ăn trưa thường bắt đầu lúc 4 giờ chiều và bữa ăn tối vào lúc 11 giờ đêm. Bạn sẽ hoàn toàn dùng tay khi ăn. Thông thường trên bàn ăn sẽ có cơm hoặc bánh Chappati (một dạng bánh bột mỳ tráng mỏng, rán chín) và một bát cà-ri. Nếu là cơm thì bạn chỉ việc trộn cơm với cà-ri sau đó là bốc đưa lên miệng, còn bánh Chappati thì tiện hơn, có thể chấm như ăn bánh mỳ chấm sữa. Ngoài ra, nếu là một bữa ăn sang trọng thì có rất nhiều món, tuy nhiên hầu hết các món ăn đều được cắt nhỏ và đun sền sệt, chúng có thể được viên tròn lại hoặc để thành đĩa để dễ dàng trộn với cơm bốc.

Pháo đài cổ Lalbagh là một điểm đến nổi tiếng ở thủ đô. Đây là một quần thể kiến trúc cổ bao gồm một nhà thờ Hồi giáo với 3 mái vòm, lăng mộ công chúa Bibi Pari cùng lâu đài của Mughal với một đài phun nước dài hình chữ nhật rất đẹp mắt. Pháo đài được bắt đầu xây dựng vào vào thế kỷ 17 bởi Mughal Subahdar Muhammad Azam Shah, con trai hoàng đế Aurangzeb. Mặc dù sau đó công trình dừng lại khi vẫn còn dang dở nhưng vẻ đẹp và bề dày lịch sử khiến nó trở thành di tích đặc biệt và là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Ngược lại với các tòa nhà cổ, những đền đài, khu chợ đông đúc, New Dhaka mang một dáng vẻ hoàn toàn khác biệt với nhiều cao ốc, đường phố rộng rãi và những trung tâm thương mại lớn mang dáng dấp của một thành phố đang trên đà xây dựng với kiến trúc hiện đại. Với tôi, Dahka nói riêng hay Bangladesh nói chung hệt như một công trường khổng lồ. Dễ dàng thấy những công trình đang xây dựng trên các nẻo đường, hứa hẹn một khuôn mặt đô thị mới trong tương lai, nhưng hiện tại hệ lụy của nó là bụi bậm, giao thông hỗn loạn và tắc đường triền miên.

Bãi biển dài nhất thế giới Cox’s Bazar

Sau hết những khói bụi và tắc đường, đi qua thành phố Chittagong khoảng 150 km về phía nam, bãi biển Cox’s Bazar, hiện lên trước mắt tôi giống như một thiên đường. Bãi cát rộng trải dài ngút tầm mắt bên vách đá sừng sững, cát vàng óng và sóng rất êm. Có thể nhiều người chưa biết, Cox’s Bazar được mệnh danh là bãi biển cát tự nhiên dài nhất thế giới (120 km, bao gồm các bãi bùn), còn được biết đến với cái tên Panowa, nghĩa là “hoa vàng”.

Hải sản ở đây dồi dào và khá rẻ. Ngư dân chỉ cần kéo lưới ở gần bờ đã đầy tôm cá. Tôi có một kỷ niệm khá vui ở đây. Thèm ăn đồ luộc, lại đang ở biển nên tôi đã nhờ chủ nhà hàng làm giúp món hải sản luộc. Đã tả rất rõ “quy trình” là chỉ cần rửa sạch hải sản rồi cho thêm chút gừng, bỏ vào nồi nước rồi luộc lên. Kết quả món hải sản luộc của tôi bao gồm tôm, ghẹ, mực cắt nhỏ tí, đun sôi và múc nguyên cả bát lõng bõng nước.

Cũng phải nói thêm rằng, vì là một nước Hồi giáo, nên quy định trang phục đi biển khá nghiêm ngặt. Hầu như tôi không nhìn thấy một bộ áo tắm hai mảnh nào trên bờ biển. Phụ nữ phải mặc sari (một loại trang phục truyền thống của người Bangladesh) và nam giới thì mặc quần soóc dài đến đầu gối và áo may ô khi tắm. Nhớ lại khi lang thang trong chợ ở Dhaka, thấy có một cửa hàng bán đồ bơi có áo tắm hai mảnh và một mảnh của phụ nữ, cô bạn người Bangladesh đi cùng bảo đó là để các chị, các cô mặc ra biển bên trong bộ sari.

Vốn là một bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp đã từng nằm trong danh sách các kỳ quan thế giới mới, những năm gần đây với quyết tâm đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa đất nước vào bản đồ du lịch thế giới và biến nơi đây thành một điểm đến xứng với tên gọi thủ đô du lịch ở Bangladesh, hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ cao tầng, nhà hàng… mọc lên san sát, hỗn loạn, thậm chí xâm lấn cả vùng bờ biển. Ngay trên bãi biển chính, cũng có thể thấy các cửa hiệu bán đồ lưu niệm, đồ chơi trẻ em, quần áo may sẵn và thức ăn nhanh. Chỉ e rằng với tốc độ phát triển thiếu kiểm soát như hiện tại, môi trường sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng và vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ của bãi biển sẽ dần biến mất. Bài toán giữa phát triển và bảo tồn chưa bao giờ dễ dàng.

Chỉ vài ngày ở Bangladesh đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm về một đất nước đang trên đà phát triển nhanh chóng. Mang trong mình những vấn đề, những khó khăn của các quốc gia đang phát triển, chênh lệch giàu nghèo rõ nét, sự bận bịu xô bồ đôi khi trở thành hỗn loạn, nhếch nhác nhưng đầy sức sống… vẫn luôn thấy đây đó những khuôn mặt tươi cười thân thiện và mến khách. Tiếng Anh được sử dụng như ngôn ngữ thứ hai ở đất nước này. Internet và viễn thông phát triển nhanh với giá rẻ. Và còn nhiều điều khác mà nếu biết tận dụng sẽ trở thành những lợi thế để níu chân du khách và các nhà đầu tư. Hy vọng một ngày trở lại đây, tôi sẽ gặp một gương mặt mới, hiện đại nhưng vẫn giữ nét đặc sắc xưa cũ, cũng như Old Dhaka và New Dhaka luôn song hành.

Bãi biển Cox’z Bazar.

Mọi chi tiết tư vấn thủ tục xuất nhập cảnh xin liên hệ:

CÔNG TY TNHH BẢO NGỌC

88 TRẦN HỮU TRANG,P.10, PHÚ NHUẬN,TP.HCM

Đc: (08) 384 52 850 – 0915526190 ( Ms.Trang)

Email: visabaongoc@gmail.com

Website:https://visabaongoc.com

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button